Khoa Điện - Điện tử tổ chức thành công Cuộc thi Sáng tạo Robot “Giải mã mê cung” năm 2018


Ngày 16/11/2018, Khoa Điện - Điện tử Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật (ĐH Đà Nẵng) đã tổ chức thành công cuộc thi Sáng tạo Robot “Giải mã mê cung” năm 2018 với sự tham gia tranh tài của 26 đội thi đến từ các trường đại học trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.

Cuộc thi sáng tạo robot là một hoạt động thường niên của Khoa Điện - Điện tử nhằm tạo ra một sân chơi bổ ích để các em sinh viên có điều kiện thể hiện niềm đam mê trong sáng tạo khoa học công nghệ, thể hiện kỹ năng, kỹ thuật thực hành ứng dụng của mình cũng như có cơ hội giao lưu, học hỏi lẫn nhau. Cuộc thi năm nay cũng nằm trong chuỗi các hoạt động chào mừng 56 năm xây dựng và phát triển nhà trường, kỷ niệm 1 năm thành lập Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật (ĐHSPKT) - Đại học Đà Nẵng cũng như hướng đến Lễ kỷ niệm 36 năm ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11.


Photo 1s.jpg
Các CB lãnh đạo nhà trường, Ban Tổ chức và các đội tham gia cuộc thi


Cuộc thi sáng tạo robot năm nay có điểm khác so với mọi năm: không chỉ có các đội của trường ĐHSPKT dự thi mà còn nhận được sự hưởng ứng, tham gia của các đội khách mời đến từ các trường đại học trong Thành phố Đà Nẵng như Đại học Bách Khoa (ĐH Đà Nẵng), Đại học Duy Tân và Đại học Đông Á. Chính điều này ra tạo thêm động lực cho tất cả các đội tham gia cuộc thi năm nay. Từ 26 đội tham gia, Ban Tổ chức cũng đã tổ chức thi đấu vòng loại vào ngày 8/11/2018 để chọn ra 16 đội xuất sắc nhất tham dự Vòng chung kết diễn ra vào sáng ngày 16/11/2018.

Phát biểu khai mạc tai vòng thi chung kết, TS. Nguyễn Linh Nam, Trưởng khoa Điện - Điện tử, Trưởng Ban tổ chức cuộc thi, đã nhấn mạnh ý nghĩa của cuộc thi sáng tạo robot mà Khoa tổ chức hằng năm. Cuộc thi không chỉ tạo ra sân chơi khoa học công nghệ lành mạnh mà còn là nơi giúp các em sinh viên có cơ hội học tập thông qua việc trải nghiệm các hoạt động thực tiễn. Đây cũng là một trong chủ trương quan trọng mà Khoa đang thực hiện: tiếp cận mô hình CDIO, tăng cường các hoạt động trải nghiệm thiết kế - triển khai, chế tạo sản phẩm ứng dụng, học tập thông qua đồ án, thông qua trải nghiệm,... nhằm từng bước nâng cao chất lượng đào tạo của Khoa Điện - Điện tử nói riêng cũng như trường ĐHSPKT nói chung. Thay mặt Ban tổ chức, TS. Nguyễn Linh Nam cũng gởi lời cảm ơn đến sự ủng hộ của lãnh đạo nhà trường, sự phối hợp tổ chức của BTV Đoàn thanh niên và Liên chi đoàn Khoa Điện - Điện tử, đặc biệt là sự nỗ lực của các thầy cô giáo cùng các em sinh viên trong việc cộng tác và hỗ trợ cho Khoa tổ chức cuộc thi năm nay.


Photo 2s.jpg

TS. Nguyễn Linh Nam, Trưởng khoa Điện - Điện tử, Trưởng ban tổ chức cuộc thi,
phát biểu khai mạc Vòng thi chung kết


Thay mặt cho Ban Giám hiệu nhà trường tham dự Vòng thi chung kết, TS. Hoàng Dũng, Phó hiệu trưởng, đánh giá cao công tác tổ chức của Khoa Điện - Điện tử, cảm ơn và biểu dương sự nỗ lực của BCN Khoa, của tất cả thầy cô giáo và sinh viên đã tham gia tổ chức và hỗ trợ kỹ thuật cho cuộc thi. Đồng thời TS. Hoàng Dũng cũng cho rằng sự tham gia của các đội đến từ các trường đại học khác trên địa bàn Thành phố Đà Nẵng thổi luồng gió mới, thể hiện rõ sự giao lưu, học hỏi giữa các trường vào cuộc thi lâu nay vốn có tính chất nội bộ, sẽ góp phần quảng bá hình ảnh của Nhà trường. Việc tổ chức các cuộc thi mang tính kỹ thuật công nghệ như vậy sẽ giúp nâng cao kỹ năng thực hành cho sinh viên theo đúng định hướng đào tạo ứng dụng của nhà trường.


Photo 3s.jpg

TS. Hoàng Dũng, Phó hiệu trưởng, phát biểu tại Vòng thi chung kết


Cuộc thi sáng tạo robot “Giải mã mê cung” năm nay vẫn dựa trên nền tảng kỹ thuật của các công nghệ hiện có như kỹ thuật cảm biến siêu âm, kỹ thuật lập trình vi điều khiển, kỹ thuật điều khiển tốc độ động cơ,... với mục đích tạo ra một sân chơi rộng rãi để nhiều em sinh viên đam mê công nghệ có thể tham gia. Tuy vậy, vẫn có những robot không thể giải mã, bị mắc kẹt trong mê cung đã cho thấy đây cũng không phải là vấn đề đơn giản. Những đội giải mã được mê cung đều là những nhóm có các thành viên có kinh nghiệm, kỹ năng kỹ thuật tốt, kỹ năng phối hợp và làm việc nhóm có hiệu quả để có thể đưa ra những lựa chọn kỹ chiến thuật tốt nhất cho robot của mình thông qua việc chọn đặt vị trí cảm biến trên robot và chọn lựa loại động cơ phù hợp, sử dụng chiến thuật bám tường bằng cách dựa vào thuật toán hay sử dụng kỹ thuật lập trình định “map”(bản đồ). Việc giải quyết những vấn đề này đòi hỏi nhiều suy nghĩ, thảo luận trong nhóm để cuối cùng có thể đưa ra các giải pháp kỹ thuật sáng tạo cho robot.
 

Photo 4s.jpg

Cuộc thi đã thu hút đông đảo sinh viên tham gia và cổ vũ cho các đội


Sau 3 giờ đồng hồ tranh tài sôi nổi, vòng thi chung kết đã kết thúc thành công và các đội xứng đáng đã đạt được các thành tích cao nhất của cuộc thi. Đây đều là các đội thi có kinh nghiệm, tư duy chiến thuật tốt, sáng tạo trong quá trình chế tạo robot cũng như khi thi đấu trên sân. Kết quả chung cuộc, với kinh nghiệm, giải pháp kỹ thuật tốt, đội First Blood (trường ĐH Bách khoa - ĐH Đà Nẵng) đạt giải Nhất; giải Nhì thuộc về đội AAP (trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật - ĐH Đà Nẵng); đội Kim Quy (trường ĐH Bách khoa - ĐH Đà Nẵng) giành giải Ba. Giải Công nghệ của cuộc thi năm nay đã thuộc về đội Diamond (trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật - ĐH Đà Nẵng).


Photo 5s.jpg

Ban Tổ chức trao giải cho các đội đạt thành tích cao trong cuộc thi


Cuộc thi đã khép lại, kết thúc một mùa tranh tài sôi nổi, hào hứng hứa hẹn cho những trận chiến robot nảy lửa, kịch tính hơn ở mùa giải năm sau.


Photo 6s.jpg
 

Thông tin tương tự
Trang 1 / 17 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 Sau Cuối