Để thực tế gần hơn với bài giảng
Sinh viên Lê Sỹ Trần Tâm, lớp 22D3, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật, Đại học Đà Nẵng vừa đạt giải Nhất với phần thưởng 20 triệu đồng trong cuộc thi Thiết kế PCB trên phần mềm CADLUS do nhà trường tổ chức.
Tâm cho biết: "Cuộc thi là cơ hội để em và các bạn sinh viên được trau dồi thêm nhiều kiến thức và kỹ năng về thiết kế mạch, giúp chúng em tự tin hơn trong quá trình học tập cũng như tìm kiếm việc làm sau khi tốt nghiệp”.
Thiết kế mạch in PCB (Printed Circuit Board) là quá trình căn bản trong ngành điện tử. Nó đóng vai trò quan trọng trong việc kết nối và điều khiển các linh kiện điện tử. Từ việc sắp xếp các linh kiện đến việc vẽ các đường dẫn dẫn điện, mỗi bước đều ảnh hưởng đến hiệu suất và độ tin cậy của mạch điện tử.
PGS.TS Phan Cao Thọ, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật, Đại học Đà Nẵng và doanh nghiệp trao thưởng cho sinh viên đạt giải Nhất cuộc thi.
TS. Trần Hoàng Vũ, Trưởng khoa Khoa Điện - Điện tử, Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật cho biết: "Cuộc thi thiết kế PCB bằng phần mềm CADLUS mang lại nhiều lợi ích cho sinh viên, cả về kỹ năng thực hành lẫn kiến thức chuyên môn".
Theo đó, sinh viên được tiếp cận và sử dụng các công cụ thiết kế PCB thực tế, giúp họ nắm vững quy trình từ khâu lên ý tưởng, tạo bản vẽ mạch đến việc kiểm tra và tối ưu hóa mạch. Điều này giúp phát triển khả năng thực hiện các dự án thiết kế mạch trong môi trường chuyên nghiệp.
Ngoài ra, theo TS. Trần Hoàng Vũ, cuộc thi yêu cầu sinh viên áp dụng kiến thức lý thuyết về điện tử và mạch điện vào thực tế. Sinh viên sẽ hiểu rõ hơn về cách bố trí các linh kiện, cách quản lý tín hiệu điện và cách tối ưu hóa thiết kế để đảm bảo mạch hoạt động hiệu quả. Thiết kế PCB không chỉ đơn thuần là việc sắp xếp các linh kiện, mà còn yêu cầu người thiết kế phải có tư duy sáng tạo để tối ưu hóa không gian và chức năng của mạch. Điều này giúp sinh viên phát triển khả năng giải quyết vấn đề một cách hiệu quả.
Sinh viên ngành xây dựng các trường đại học tại TP Đà Nẵng tham gia cuộc thi Thực hành trắc địa do Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật, Đại học Đà Nẵng tổ chức.
Cuộc thi Thực hành trắc địa với chủ đề "Đường ngắm tương lai – CED 2024" do Khoa Kỹ thuật Xây dựng, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật, Đại học Đà Nẵng tổ chức đã thu hút 22 đội thi đến từ các trường đại học trên địa bàn thành phố Đà Nẵng. Trong đó, có đội thi đến từ Khoa Xây dựng Cầu đường, Trường Đại học Bách khoa – Đại học Đà Nẵng; 3 đội thi của Khoa Kỹ thuật Công trình, Phân hiệu Trường Đại học Xây dựng Miền Trung tại thành phố Đà Nẵng; 3 đội thi đến từ Trường Đại học Đông Á và 9 đội thi đến từ Khoa Kỹ thuật Xây dựng, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật, Đại học Đà Nẵng.
Đây là một trong các cuộc thi thường niên do Khoa Kỹ thuật Xây dựng tổ chức, nhằm tạo ra sân chơi bổ ích cho sinh viên các khối ngành Xây dựng và Kiến trúc được vận dụng những kiến thức đã học trên giảng đường vào thực tế.
Ngoài cơ hội được giao lưu, học hỏi sinh viên khối xây dựng giữa các trường, thí sinh tham gia cuộc thi có cơ hội rèn kỹ năng sử dụng thành thạo các loại máy móc trắc địa và kỹ năng đo đạc trên thực địa, áp dụng tốt các kiến thức đã học để tính toán, xử lý số liệu, tìm ra kết quả theo yêu cầu của Ban tổ chức.
Học cùng chuyên gia
Đầu tháng 9/2024, sinh viên khoa Kiến trúc, Trường Đại học Bách khoa và Khoa Kỹ thuật xây dựng, Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật, Đại học Đà Nẵng có cơ hội học tập với các giáo sư đến từ Học viện công nghệ Maebashi, Nhật Bản.
Đây là hoạt động học thuật do Trường Đại học Bách khoa và Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật, Đại học Đà Nẵng phối hợp cùng Học viện Công nghệ Maebashi, Nhật Bản tổ chức. Tọa đàm nhằm góp phần ứng dụng học thuật đáp ứng nhu cầu thực tế, đặc biệt trong xây dựng, kiến trúc gắn kết hài hòa với bảo tồn, phát triển giá trị truyền thống văn hóa với du lịch địa phương. Thông qua các hoạt động nghiên cứu ứng dụng và thực tiễn để tăng cường trao đổi giao lưu học thuật, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học cho cán bộ, giảng viên và sinh viên các ngành kiến trúc, xây dựng.
Cùng với các thông tin, tri thức được chia sẻ, trao đổi tại Tọa đàm, các trường và học viện đã chia nhóm tiến hành khảo sát thực tế, thực địa tại khu vực nghiên cứu Đình làng Hải Châu (phường Hải Châu I, quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng).
Đại diện Khoa Kiến trúc, Trường ĐH Bách khoa - ĐHĐN đánh giá cao giá trị văn hóa, lịch sử lâu đời của Đình làng Hải Châu được xây dựng từ thế kỷ 19, có thể coi như một biểu tượng văn hóa của địa phương với những ngôi đình cổ đậm bản sắc truyền thống, có các mái ngói đỏ, cột trụ gỗ lớn và hệ thống chạm khắc tinh xảo trên các bức hoành phi, câu đối.
Được sự chia sẻ, hướng dẫn của các chuyên gia và giảng viên, sinh viên các khoa kiến trúc, xây dựng của hai trường đã hào hứng tham gia nghiên cứu, hoàn thiện ý tưởng, đề xuất các phương án cùng thầy, cô và báo cáo khoa học.
PGS. TS Phan Cao Thọ, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật, Đại học Đà Nẵng cho biết: "Trong khuôn khổ hợp tác giữa nhà trường với các doanh nghiệp trong và ngoài nước, đặc biệt là các doanh nghiệp Nhật Bản trong lĩnh vực công nghệ cao, bên cạnh việc được trau dồi khả năng ngoại ngữ (tiếng Nhật); rèn luyện kỹ năng làm việc trong môi trường Nhật Bản; tham gia thực tập tại Nhật Bản thông qua các học kỳ doanh nghiệp… các sinh viên của Trường còn có cơ hội được tham gia nhiều sân chơi trí tuệ bổ ích, tiêu biểu như Cuộc thi Thiết kế PCB trên phần mềm CADLUS do Khoa Điện – Điện tử phối hợp với Công ty Nisoul tổ chức".