Lịch sử phát triển


KHOA ĐIỆN - ĐIỆN TỬ
QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN

    Năm 1960, viên đá xây dựng trường đầu tiên được đặt. Tháng 9 năm 1962, nhà trường tuyển sinh khóa đầu tiên với tên gọi Trường Kỹ thuật Đà Nẵng. Ngay từ năm học 1962 -1963, nhà trường đã được đầu tư trang thiết bị theo tiêu chuẩn quốc tế của thời kỳ đó. Lúc này các chuyên ngành được gọi là xưởng, gồm: xưởng Điện, xưởng Máy công cụ, xưởng Nguội, xưởng Kỹ nghệ sắt, xưởng Cơ khí ô tô và xưởng Nữ công gia chánh. Cũng như các xưởng khác, học sinh Xưởng Điện vừa học chương trình phổ thông trung học, vừa học kỹ thuật. Vào học trường này là những học sinh có khả năng và đam mê Toán- Kỹ thuật, học sinh sớm được rèn luyện tư duy kỹ thuật và bản lĩnh nghề nghiệp ngay từ khi còn nhỏ. Sau khi tốt nghiệp, có thể đi làm theo nghề đã học hoặc học tiếp lên các trường đại học, đặc biệt là các trường đại học kỹ thuật và công nghệ. 
lich-su-phat-trien-01.jpg
    Đến năm 1976, trước yêu cầu về nguồn nhân lực lành nghề, có kiến thức và kỹ năng nghề nghiệp để xây dựng đất nước, trường được đổi tên thành Trường Công nhân Kỹ thuật Nguyễn Văn Trỗi. Các ngành được sắp xếp lại để phù hợp với nhiệm vụ mới, các xưởng được gọi là Ban nghề, Xưởng Điện được gọi là Ban nghề Điện. Nhà trường đào tạo nguồn lao động kỹ thuật cho Tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng và các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên. Học sinh ngành Điện sau khi tốt nghiệp được phân công về công tác tại các sở Điện lực, Đài truyền hình, các cơ quan, nhà máy, xí nghiệp...
lich-su-phat-trien-02.jpg
    Đến năm 1987, Liên Xô viện trợ tái đầu tư nâng cấp trang thiết bị công nghiệp quy mô, xây dựng thêm xưởng và lắp đặt mới toàn bộ thiết bị trong các xưởng, các phòng học. Nhà trường mở rộng loại hình đào tạo trung cấp kỹ thuật nên được chuyển thành trường Kỹ thuật Nguyễn Văn Trỗi. Ban nghề Điện ngoài Xưởng Điện để thực hành còn có các phòng học chuyên môn, phòng thí nghiệm Điện kỹ thuật, phòng thí nghiệm Điện tử. Học sinh tốt nghiệp được tiếp tục bổ sung nguồn nhân lực kỹ thuật cho tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng và miền Trung – Tây Nguyên.
    Đến năm 1994, theo nghị định 32/CP ngày 04.04.1994 của Chính phủ, trường trở thành là một thành viên của Đại học Đà Nẵng và mang tên Trường Cao đẳng Công nghệ. Đến năm 1996, Ban nghề Điện được nâng thành Khoa Điện có chức năng đào tạo cán bộ kỹ thuật và công nghệ có trình độ cao đẳng, trung học chuyên nghiệp, đào tạo công nhân lành nghề ở các ngành Điện Kỹ thuật, Điện tử và Tự động hoá cho cả khu vực miền Trung - Tây nguyên.
lich-su-phat-trien-03.jpg
    Đến năm 2017, Thủ tướng chính phủ đã ban hành QĐ 1749 thành lập Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật trực thuộc Đại học Đà Nẵng. Đây là một bước tiến lịch sử cho sự phát triển của Nhà trường nói chung và của Khoa nói riêng. Khoa Điện được đổi tên thành Khoa Điện - Điện tử có chức năng đào tạo Kỹ sư công nghệ và Kỹ sư thực hành ở các ngành Điện- Điện tử, Điều khiển và tự động hóa, Điện tử viễn thông. 
Ngoài nhiệm vụ đào tạo, đội ngũ giảng viên Khoa Điện - Điện tử tích cực tham gia nghiên cứu khoa học, chế tạo thiết bị dạy thực hành, viết báo khoa học được đăng trên các tạp chí khoa học trong nước và quốc tế. Tăng cường mối quan hệ giữa khoa với doanh nghiệp, tạo điều kiện cho sinh viên thực tập ở các cơ sở sản xuất. Ngoài ra, hàng năm khoa còn đào tạo và kiểm tra nâng bậc cho các công nhân đang làm việc tại các công ty, xí nghiệp...trên địa bàn thành phố.
Cơ sở vật chất, ngành nghề và đội ngũ giảng dạy được phát triển mạnh. Đến năm 2023 đội ngũ Khoa Điện - Điện tử gồm 37 cán bộ, trong đó có 13 tiến sỹ (1 PGS), 21 thạc sỹ, 2 kỹ sư, 1 chuyên viên. Đến nay khoa có 3 ngành: ngành Công nghệ kỹ thuật Điện - Điện tử, ngành Công nghệ kỹ thuật Điện tử - Viễn thông, ngành Công nghệ kỹ thuật Điều khiển và Tự động hóa và 3 bộ môn trực thuộc: Bộ môn Tự động hóa, Bộ môn Hệ thống điện, Bộ môn Điện tử viễn thông. Khoa hiện có 3 xưởng thực hành, 6 phòng thí nghiệm.
Tập thể khoa không ngừng phấn đấu học tập nâng cao trình độ chuyên môn, ngoại ngữ, chính trị, tiếp cận thực tế nhằm hoàn thành tốt nhiệm vụ nghiên cứu, giảng dạy về lý thuyết cũng như kỹ năng thực hành, tạo điều kiện để sinh viên sau khi tốt nghiệp có thể học lên bậc học cao hơn hoặc vào làm việc tại các cơ sở sản xuất, dịch vụ,... đáp ứng tốt nhu cầu nguồn nhân lực kỹ thuật - công nghệ cao cho thành phố Đà Nẵng, miền Trung - Tây nguyên và cả nước.