Ứng dụng công nghệ mới trong công trình xanh: Vì sự phát triển bền vững


Thời gian qua, đã có gần chục hội thảo cấp quốc gia với sự tham dự của hàng trăm chuyên gia, nhà khoa học trong nước và quốc tế cùng nhau thảo luận, nghiên cứu về công nghệ mới trong công trình xanh với mục tiêu vì sự phát triển bền vững.
Trường đại học tiên phong trong nghiên cứu công nghệ xanh
Theo PGS.TS. Phan Cao Thọ, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật - Đại học Đà Nẵng, cuộc Cách mạng 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ, ảnh hưởng đến mọi mặt của cuộc sống cũng như quá trình nghiên cứu, giảng dạy và đào tạo các trường. Trọng tâm chính trong cuộc cách mạng này chính là chuyển đổi kỹ thuật số và chuyển đổi năng lượng.
“Thuật ngữ công trình xanh - Green Buildings nên được hiểu theo nghĩa rộng, bao trùm nhiều lĩnh vực chứ không chỉ giới hạn là các công trình xây dựng, giao thông, thuỷ lợi - thủy điện… Mà đó còn là một khu đô thị xanh, khu công nghiệp xanh với các thiết bị, tiện nghi, phương tiện, năng lượng xanh trong quy hoạch, môi trường (khí, đất và nước…) xanh. Ngoài ra, nó còn liên quan đến lĩnh vực máy học, trí tuệ nhân tạo trong công trình xanh, bảo vệ môi trường. Như vậy, muốn xanh, bền vững thì phải thông minh từ A đến Z, từ tư duy, ý tưởng đến khảo sát, thiết kế, chế tạo thi công, quản lý và khai thác. “Và tất nhiên, trong đó phải có những ứng dụng về công nghệ số: IoT, AI, BIM, DT… và thể chế, chính sách đồng bộ”, PGS.TS. Phan Cao Thọ chia sẻ.
Cũng theo PGS.TS. Phan Cao Thọ, các trrường đại học phải đi đầu trong việc nghiên cứu, ứng dụng công nghệ mới trong công trình xanh, nhất là lĩnh vực chuyển đổi kỹ thuật số. Bởi trường Đại học là nơi tập trung đội ngũ nhà khoa học, chuyên gia hùng hậu, đủ khả năng để nghiên cứu, chế tạo những công nghệ mới, sản phẩm hiện đại, bảo vệ môi trường. “Một trong những thách thức lớn nhất mà thế giới đang phải đối mặt hiện nay là hạn chế lượng khí thải carbon nhằm giải quyết khủng hoảng khí hậu. Vì vậy, câu chuyện nghiên cứu công nghệ mới trong công trình xanh luôn thu hút, có ý nghĩa và mang lại nhiều giá trị về kinh tế - xã hội, môi trường”, PGS.TS. Phan Cao Thọ nhấn mạnh.
Theo đánh giá của TS. Tạ Quốc Thắng, kinh nghiệm của các nước đi trước cho thấy, công trình xanh cần được nhìn nhận và áp dụng tổng thể trên các khía cạnh môi trường, xã hội, văn hóa và kinh tế với điều kiện Việt Nam.
Hướng đến mục tiêu phát triển xanh, bền vững
Tại hội thảo quốc tế lần thứ 8 - ATiGB 2023 mới đây, các chuyên gia, nhà khoa học đã chia sẻ, thảo luận về những nghiên cứu mới nhất trong việc tiết kiệm năng lượng và sản xuất thiết bị xanh, bền vững với môi trường. Đồng thời, công bố các nghiên cứu thiết kế và chế tạo bằng công nghệ cơ khí chính xác.

123456.JPG

Hội thảo quốc tế ATiGB 2023 do Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật - Đại học Đà Nẵng tổ chức

Đáng chú ý là công trình nghiên cứu “Tận dụng tro đáy nhiệt điện làm cốt liệu trong cơ chế tạo gạch xây dựng thân thiện môi trường” của nhóm nghiên cứu đến từ Đại học Hồng Đức, Đại học Kỹ thuật VSB Ostrava, Ludvika Podesta (Cộng hòa Séc). Nghiên cứu nhằm mục đích tái sử dụng tro đáy từ nhà máy nhiệt điện than trong sản xuất gạch xây dựng không nung thân thiện với môi trường. Kết quả nghiên cứu của công trình này đã cho ra mẫu gạch thỏa mãn các yêu cầu kỹ thuật theo tiêu chuẩn Việt Nam hiện hành và được phân loại từ mác M15 trở lên.
“Nếu tận dụng được tro, xỉ than thải ra từ các nhà máy nhiệt điện sử dụng hết làm vật liệu xây dựng thì sẽ giải được bài toán phát triển nhiệt điện mà không gây tác hại đến môi trường như hiện nay. Với lợi thế giá thành rẻ, có độ bền cao, chúng tôi kỳ vọng sản phẩm này sẽ được khuyến cáo sử dụng thường xuyên trong ngành xây dựng”, đại diện nhóm tác giả cho hay.
Không chỉ trong lĩnh vực vật liệu xây dựng, một nghiên cứu khác cũng được giới học giả đánh giá cao là công trình nghiên cứu  “Ảnh hưởng của việc thay thế xi măng bằng phụ phẩm công nghiệp đến các tính chất kỹ thuật của vữa tính năng cao” của nhóm nghiên cứu đến từ Đại học Hồng Đức, Đại học Sư phạm Công nghệ Vĩnh Long và Đại học Cần Thơ. Trong nghiên cứu này, tro bay và xỉ lò cao nghiền mịn (XLC) là các sản phẩm phụ trong quá trình sản xuất công nghiệp, được sử dụng làm chất kết dính trong sản xuất vữa tính năng cao dùng làm vật liệu gia cố hay sửa chữa cho các kết cấu công trình thủy. Nghiên cứu này không chỉ giải quyết vấn đề ô nhiễm do tro bay và xỉ lò cao gây ra mà còn tận dụng được nó làm nguồn nguyên liệu phục vụ cho sản xuất.
Cũng tại ATiGB 2023, GS.TS. Yo-Ping Huang - Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học kỹ thuật Bành Hồ - Đài Loan (Trung Quốc) cũng đã chia sẻ về công trình nghiên cứu mới nhất của mình với chủ đề: “Trí tuệ nhân tạo trong năng lượng xanh và nuôi trồng thủy sản”. Ông là nhà khoa học nghiên cứu về mô hình học sâu, điều khiển thông minh nên công trình được sự đón nhận của giới nghiên cứu khoa học. Trong đó, các giải pháp về AI (trí tuệ nhân tạo) được sử dụng để tạo ra nguồn năng lượng xanh phục vụ việc nuôi trồng thủy sản.
Trao đổi về vấn đề này, PGS.TS. Hoàng Mạnh Nguyên - Viện Khoa học công nghệ đô thị xanh cho rằng, để công trình xanh có thể đi vào đời sống, cần thực hiện được bốn công việc không thể thiếu gồm: Xây dựng chính sách; sản phẩm xanh; khách hàng cho sản phẩm xanh và quản lý và khuyến khích các sản phẩm xanh. Trong đó, về xây dựng chính sách, cần có sự cam kết của cấp lãnh đạo, có một hệ thống luật rõ ràng như cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển; đầu tư phát triển công trình xanh trong nhà ở, nhà công cộng, tòa nhà được đầu tư từ ngân sách Nhà nước; hệ thống định mức, quy chuẩn tiêu chuẩn, hướng dẫn kỹ thuật xây dựng công trình xanh…
Theo Báo Đại biểu Nhân dân                         
Thông tin tương tự
Trang 1 / 17 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 Sau Cuối