Sinh viên Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật - Đại học Đà Nẵng lọt TOP3 Đội thi tiềm năng của Cuộc thi Thử thách sáng tạo xã hội Việt Nam năm 2023


Trong Gala Chung kết toàn quốc của Cuộc thi Thử thách sáng tạo xã hội Việt Nam năm 2023 (VSIC 2023) được tổ chức vào ngày 16/12/2023, Đề tài “Phao cứu sinh tìm kiếm chủ động” của hai sinh viên: Đặng Thành Sơn và Trần Văn Phúc - Lớp 20TDH2, Khoa Điện - Điện tử, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật kết hợp với ba sinh viên: Trần Thị Minh Nguyệt, Nguyễn Đức Trãi và Nguyễn Văn Tài đến từ Trường Đại học Kinh tế, dưới sự hướng dẫn của ThS. Đỗ Hoàng Ngân Mi đã xuất sắc lọt TOP3 Đội thi tiềm năng của khu vực miền Bắc.

z4963961305549_7e2aee8eb14a3a1a4dadb7ebc72e3e14.jpg

Nhóm sinh viên nghiên cứu Đề tài “Phao cứu sinh tìm kiếm chủ động”

VSIC 2023 là cuộc thi khởi nghiệp xã hội dành cho người trẻ lớn nhất trên phạm vi toàn quốc nhằm tìm kiếm và hỗ trợ hiện thực hóa các ý tưởng khởi nghiệp hướng đến giải quyết các vấn đề xã hội và nâng cao chất lượng cuộc sống ở Việt Nam.
Đây là hoạt động thường niên được tổ chức bởi Trường Đại học Ngoại thương, phát động trên quy mô toàn quốc với đơn vị thực hiện là Đội tuyển Enactus FTU Hanoi ở khu vực phía Bắc và Business Ideas Team ở khu vực phía Nam. Cuộc thi được bảo trợ chuyên môn bởi Khoa Quản trị kinh doanh - Trường Đại học Ngoại thương, cùng với đó là sự đồng hành của các đối tác CSIP, KisImpact, FAVSN, SYS, BK-Holdings...
Trải qua 11 mùa giải, VSIC 2023 chính thức trở lại với chủ đề: “Khởi nghiệp hướng đến phát triển bền vững và chú trọng thực hiện công bằng xã hội” mang đến cơ hội cho các nhóm thi, tập trung vào 03 chủ đề: 
- Sáng kiến đổi mới giáo dục và đào tạo vì sự bền vững và công bằng xã hội;
- Nâng cao sức khỏe cộng đồng và phát triển y tế bền vững;
- Sản xuất và tiêu dùng bền vững, có trách nhiệm với xã hội và môi trường.
“Phao cứu sinh tự động tìm kiếm chủ động” là một sản phẩm có khả năng chủ động phát hiện, định vị, cứu hộ bằng vòng tay tích hợp cảm biến áp lực, GPS và thiết kế phao có khả năng cơ động di chuyển đến người gặp nạn.
Bộ thiết bị gồm hai thành phần là phao và vòng tay thông minh. Trong đó, vỏ phao được tạo thành nhiều lớp bởi các sợi cốt thủy tinh, nhựa polyester và chất xúc tác; thiết kế theo dạng móng ngựa (chữ U) và có thể treo bên ngoài thân tàu, mạn thuyền… neo giữ bằng khóa chốt điện tử. Trong phao được sử dụng các thuật toán để định vị và di chuyển, điều hướng bằng GPS thông qua vệ tinh. Đây cũng là phần quan trọng nhất để phao cứu sinh được tự động.
Sản phẩm gắn liền với thực tiễn, phát huy được các chức năng cứu hộ khi xảy ra sự cố, đồng thời là đề tài cho nhiều sinh viên nhìn nhận, nghiên cứu để hình thành các ý tưởng, sáng tạo sản phẩm hữu ích trong quá trình học tập.
Giải thưởng lần này sẽ là nguồn động lực to lớn trong việc khuyến khích sinh viên tham gia các phong trào nghiên cứu khoa học; hình thành và phát triển các mô hình, dự án khởi nghiệp ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường.
Thông tin tương tự
Trang 1 / 17 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 Sau Cuối