Bộ môn Điện tử – Viễn thông phối hợp với Công ty VNPT tổ chức báo cáo chuyên đề Kỹ thuật hàn cáp quang


Ngày nay, Internet đã trở thành một nhu cầu thiết yếu, giúp mọi người ở khắp nơi trên thế giới có thể giao tiếp, trao đổi, học tập, mua sắm, giải trí một cách dễ dàng và nhanh chóng. Các ứng dụng, dịch vụ trên Internet cũng ngày càng phát triển theo, điều này đòi hỏi tốc độ, băng thông kết nối Internet phải cao. Với yêu cầu này, cáp quang trở thành lựa chọn số một trong đó FTTH (Fiber To Home) là một điển hình. FTTH đáp ứng các dịch vụ luôn đòi hỏi mạng kết nối tốc độ cao như IPTV, hội nghị truyền hình, video trực tuyến, giám sát từ xa IP Camera,... Trước đây, cáp quang chỉ dùng để kết nối các đường trục chính của quốc gia, nhà cung cấp dịch vụ, doanh nghiệp lớn vì chi phí khá cao. Nhưng hiện nay, cáp quang được sử dụng khá rộng rãi ở các doanh nghiệp vừa, nhỏ, các trường đại học và người sử dụng thông thường. Cáp quang dùng ánh sáng truyền dẫn tín hiệu, do đó ít suy hao và thường được dùng cho kết nối khoảng cách xa. Khi bắt tay vào triển khai hệ thống cáp quang, việc lựa chọn một phương pháp nối đầu phù hợp là vấn đề quan trọng cần được xem xét. Việc hàn nối cáp quang không thể thực hiện bằng cách thủ công mà phải có máy móc chuyên dụng. Nhằm giúp sinh viên cũng như giảng viên hiểu được kỹ thuật có yêu cầu cao này, vào lúc 16h00 ngày 31/10/2014, được sự cho phép của Nhà trường và Khoa Điện, Bộ môn Điện tử-Viễn thông đã tổ chức buổi báo cáo chuyên đề “Kỹ thuật hàn cáp quang” do anh Trần Đình Khoa, cán bộ kỹ thuật của VNPT, trực tiếp trình bày, với sự tham gia của các thầy cô giáo và sinh viên chuyên ngành Điện-Điện tử-Truyền thông. Đến tham dự buổi báo cáo với tư cách là đại diện Ban Giám hiệu Nhà trường đồng thời cũng là người nghe, TS. Hoàng Dũng - Phó Hiệu trưởng - đặc biệt nhấn mạnh ý nghĩa thiết thực trong việc đưa các kiến thức thực tế từ doanh nghiệp đến với sinh viên và đề xuất Bộ môn Điện tử-Viễn thông đẩy mạnh hoạt động liên kết giữa Nhà trường và Doanh nghiệp thông qua những buổi báo cáo chuyên đề như trên, hướng đến xa hơn là Nhà trường và Doanh nghiệp phối hợp tổ chức các lớp đào tạo kỹ thuật nghề ngắn hạn, chuyên sâu cho sinh viên và đồng cấp chứng chỉ để sinh viên có những điều kiện thuận lợi trong việc tham gia tuyển dụng và làm việc sau khi ra trường.

TS. Hoàng Dũng, Phó Hiệu trưởng, phát biểu tại buổi báo cáo

Trong phần báo cáo, anh Trần Đình Khoa đã trình bày cụ thể các vần đề liên quan đến cáp quang và đặc biệt là hướng dẫn chi tiết các bước kỹ thuật thực hành hàn cáp, từ việc chuẩn bị cáp như tách lớp vỏ bảo vệ, vệ sinh cáp,... đến hàn hai đầu cáp lại với nhau thành một mối nối hoàn chỉnh về mặt kỹ thuật bằng máy hàn chuyên dụng. Một số sinh viên tham dự buổi báo cáo lần lượt được thực hành hàn cáp quang dưới sự hướng dẫn chi tiết của anh Trần Đình Khoa.

Anh Trần Đình Khoa, cán bộ kỹ thuật Công ty VNPT đang hướng dẫn
các bước trong kỹ thuật hàn cáp quang

Sinh viên đang thực hành kỹ thuật hàn cáp quang

Trong phần thảo luận, sinh viên đã đặt ra nhiều câu hỏi cho đại diện bộ phận kỹ thuật của Công ty VNPT và các thầy cô, từ những câu hỏi cụ thể có kiến thức liên quan đến hệ thống cáp quang và hệ thống viễn thông, cho đến những câu hỏi mang tính định hướng về ngành nghề sau này. Điều đáng lưu ý là các sinh viên đều hào hứng và mong được tham dự những hoạt động học thuật cung cấp kiến thực thực tế như thế này vì những gì mà các em thu hoạch được chắc chắn sẽ hữu ích trong học tập hiện tại cũng như sau này ra trường và đi làm.

Quang cảnh phần thảo luận

Tin từ Bộ môn Điện tử - Viễn thông

Thông tin tương tự
Trang 1 / 2 1 2 Sau Cuối